Tình trạng dị ứng đạm sữa bò và bất dung nạp lactose khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Cha mẹ nên tìm hiểu và phân biệt hai triệu chứng này để có thể có hướng giải quyết và chăm sóc hợp lý.
Sự khác nhau giữa dị ứng đạm sữa bò và bất dung nạp lactose
Hai triệu chứng này có gì khác nhau, phân biệt thế nào và nên làm gì để khắc phục tình trạng này.
Dị ứng đạm sữa bò và bất dung nạp lactose là gì?
Dị ứng đạm sữa bò là tình trạng phản ứng miễn dịch của cơ thể với thành phần đạm trong sữa bò và những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò.
Bất dung nạp lactose là tình trạng cơ thể thiếu lactase, một loại enzyme trong thành ruột non để hấp thụ lactose.
Khác nhau về bản chất
Dị ứng đạm sữa bò: là kết quả của phản ứng miễn dịch cơ thể với một hoặc nhiều protein sữa. Dị ứng đạm bò có thể liên quan với kháng thể miễn dịch immunoglobulin E (IgE) hoặc không phải IgE. Trong các trường hợp liên quan đến IgE, dị ứng đạm bò có thể là biểu hiện của bệnh dị ứng nội tạng. Tình trạng này thường xảy ra ở những năm tháng đầu đời của trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh có phản ứng sớm có nhiều khả năng có xét nghiệm lẩy da dương tính SPT hoặc xét nghiệm dương tính với IgE cụ thể hơn những trẻ có phản ứng muộn hơn.
Bất dung nạp lactose: do thiếu hụt một phần hay toàn bộ enzym lactase đường ruột, khiến cơ thể không thể tiêu hóa lactose, dẫn đến khu trẻ sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy.
Khác nhau về nguyên nhân
Dị ứng đạm sữa bò:
- Phản ứng của cơ thể với protein trong sữa bò
- Thường xảy ra vào những tháng đầu đời của trẻ
Bất dung nạp lactose:
- Thiếu hụt enzyme lactase (một loại enzyme tiêu hóa chuyên biệt để tiêu hóa đường lactose trong sữa)
- Tổn thương ở ruột non: sau một đợt tổn thương đường ruột do vi khuẩn, virus, ruột non của trẻ dễ bị tổn thương và xảy ra hiện tượng bất dung nạp Lactose trong sữa mẹ
- Bẩm sinh trẻ thiếu hụt enzyme lactase
Khác nhau về triệu chứng
Ở cả hai tình trạng thì bé đều có biểu hiện của rối loạn tiêu hóa như:
- Tiêu chảy
- Nôn trớ
- Đầy bụng
- Khó tiêu
- Trướng bụng
Dị ứng đạm sữa bò:
- Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi bé dùng sữa và các sản phẩm từ sữa từ vài phút đến một giờ
- Có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như: ban da, sưng môi hoặc cổ họng, khó thở
- Bé sẽ không gặp các rối loạn tiêu hóa, dị ứng khi sử dụng các sản phẩm hữu cơ thủy phân
Bất dung nạp lactose:
- Các triệu chứng thường xuất hiện từ 30 phút đến hai giờ sau khi trẻ sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa
- Tình trạng rối loạn tiêu hóa dần được cải thiện khi bé sử dụng sản phẩm không chứa lactose.
Cách khắc phục
Dị ứng đạm sữa bò: Đối với trẻ <12 tháng tuổi: Ở độ tuổi này thức ăn của trẻ chủ yếu là sữa và cũng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Cách duy nhất để xử trí dị ứng đạm sữa bò là để trẻ tránh hoàn toàn sữa bò và những chế phẩm từ sữa bò khỏi chế độ ăn.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp không có sữa mẹ thì có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức chứa đạm thủy phân toàn phần toàn phần từ 2 – 4 tuần. Sau thời gian trên nếu tình hình dị ứng được cải thiện thì cho trẻ thử lại sữa công thức thông thường từ đạm sữa bò. Nếu lại xuất hiện triệu chứng dị ứng sữa bò thì tiếp tục duy trì công thức sữa thủy phân toàn phần ít nhất từ 6 tháng – 12 tháng. Đây là loại sữa đã được kiểm nghiệm lâm sàng về độ an toàn, mức độ dinh dưỡng và được được đề nghị sử dụng trong điều trị dị ứng đạm sữa bò trong thời gian dài.
Sữa công thức chứa đạm thủy phân toàn phần chứa đủ hàm lượng DHA (17mg/100kcal) và ARA (34mg/100kcal) cần thiết cho sự phát triển của não bộ, thị lực và hệ miễn dịch của trẻ.
Tình trạng dị ứng đạm sữa bò chỉ mang tính chất tạm thời và hầu hết sẽ khỏi khi trẻ từ 1 đến 4 tuổi. Khi trẻ được 1 tuổi hoặc tùy vào tình trạng của trẻ, có thể cân nhắc dùng lại các sản phẩm dinh dưỡng chứa đạm sữa bò nguyên vẹn. Nếu không thấy phản ứng nào xảy ra thì trẻ có thể bắt đầu lại chế độ ăn bình thường với sữa bò và những chế phẩm từ sữa.
Bất dung nạp lactose: Đối với trẻ bú mẹ, dù trẻ bị tiêu chảy, các bà mẹ vẫn phải tiếp tục cho trẻ bú, không được kiêng ăn cho trẻ. Tập quán kiêng ăn, giảm ăn là nguy cơ gây tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng cho trẻ. Sữa mẹ là thức ăn thích hợp sau khi điều trị bằng dung dịch oresol cho trẻ không dung nạp lactose, vì lactose trong sữa mẹ vẫn được hệ tiêu hoá hấp thu khi thiếu men lactase trong ruột.
Sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất giúp trẻ nhanh phục hồi khi bị tiêu chảy. Các yếu tố miễn dịch phong phú trong sữa mẹ giúp tăng cường bảo vệ miễn dịch, bao gồm cả miễn dịch niêm mạc ruột. Các nucleotides có trong sữa mẹ cũng có tác dụng giúp tái tạo niêm mạc ruột tổn thương trong nhiễm trùng. Theo các chuyên gia, trẻ bú mẹ khi bị tiêu chảy có số lần đi ngoài giảm hơn so với các trẻ tiếp tục bú sữa bò thông thường.
Khi trẻ đang ăn dặm bị tiêu chảy, cần phải tiếp tục chế độ thức ăn bổ sung bình thường với các thành phần dễ tiêu hoá như cháo gạo, bột gạo, thịt nạc, sữa chua…
Nếu trẻ đang sử dụng sữa công thức thông thường, hoặc trong trường hợp trẻ nhỏ dưới 3 tháng, bị tiêu chảy kéo dài, hoặc trẻ có biểu hiện suy dinh dưỡng, có thể dùng các loại sữa không có đường lactose. Thành phần đường có thể là maltodextrin hoặc hỗn hợp đường có áp lực thẩm thấu thấp. Các thành phần đường này đã được chứng minh trên lâm sàng, giúp trẻ tăng cân tốt hơn và phục hồi đường ruột nhanh hơn.
Để xác định chính xác triệu chứng của trẻ, cha mẹ có thể đưa trẻ đến các cơ sở ý tế chuyên khoa để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán và được các bác sĩ điều trị, tư vấn kịp thời.
Bài viết liên quan:
Thực phẩm biến đổi gen là gì? Có tốt không?
Lactose là gì? Bất dung nạp lactose là gì?
Kiều mạch là gì? Kiều mạch có tác dụng gì?