Luôn là một vấn đề phổ biến ở cả mọi lứa tuổi, bệnh táo bón là một vấn đề ở đường tiêu hóa xảy ra do một số yếu tố trong đường ruột. Do đó trong bài viết dưới đây hãy cùng Orgavil tìm hiểu xem “táo bón là gì?”, “nguyên nhân và cách điều trị táo bón”…
1. Táo bón là gì?
Táo bón là tình trạng nhu động ruột không xảy ra thường xuyên hoặc khó khăn trong việc đi đại tiện kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn. Táo bón không phải là một bệnh mà là triệu chứng của các bệnh ở đại trực tràng (ruột già và ruột kết) khác.
Táo bón được định nghĩa là có ít hơn 3 lần đi đại tiện trong một tuần. Mặc dù táo bón không thường xuyên diễn ra phổ biến, tuy nhiên, ở một số người, táo bón gây cản trở sinh hoạt hoặc hạn chế làm các công việc hằng ngày. Táo bón mãn tính cũng là nguyên nhân khiến người bệnh phải rặn rất nhiều khi đi đại tiện và là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau.
Điều trị táo bón mạn tính phụ thuộc một phần vào nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, không tìm thấy nguyên nhân.
Đặc biệt táo bón ở trẻ em là một vấn đề phổ biến. Nguyên nhân phổ biến bao gồm tập luyện đi vệ sinh sớm và thay đổi chế độ ăn uống. May mắn thay, hầu hết các trường hợp táo bón ở trẻ em là tạm thời.
Khuyến khích trẻ thực hiện các thay đổi chế độ ăn uống như ăn nhiều trái cây và rau quả giàu chất xơ và uống nhiều chất lỏng hơn – có thể giúp giảm táo bón.
2. Nguyên nhân bệnh táo bón
Táo bón thường xảy ra khi khối phân di chuyển bên trong ruột quá chậm và bị hấp thu quá nhiều nước ở ruột già, từ đó khối phân có thể trở nên khô và cứng. Tình trạng táo bón ở trẻ em thường không nghiêm trọng và chủ yếu là do chế độ ăn uống và thói quen đi vệ sinh không khoa học.
Các nguyên nhân phổ biến gây ra chứng táo bón ở người lớn là:
- Sử dụng một số thuốc điều trị có thể gây ra tác dụng phụ này
- Lười vận động, không tập luyện thể dục
- Không bổ sung đủ nước cho cơ thể
- Chế độ ăn thiếu chất xơ
- Hội chứng ruột kích thích
- Nhịn đi cầu khi cảm thấy mắc
- Thay đổi thói quen hoặc lối sống, chẳng hạn đi du lịch
- Táo bón khi mang thai, táo bón sau sinh
- Người cao tuổi
Ngoài ra, bệnh táo bón mạn tính có thể xảy ra do nhiều táo bón nguyên nhân , chẳng hạn như:
- Nứt hậu môn: Đây là hậu quả thường gặp do phân khô cứng làm xước niêm mạc hậu môn. Ngoài ra, tình trạng nứt hậu môn khiến bạn đau khi đi cầu, từ đó dẫn đến nhịn đi cầu và táo bón lại xuất hiện dai dẳng
- Tắc nghẽn ruột hay hẹp đại tràng: ung thư đại tràng, ung thư vùng bụng
- Sa trực tràng
- Có vấn đề liên quan đến thần kinh xung quanh đại trực tràng, như đa xơ cứng, tổn thương tủy sống…
- Cơ sàn chậu bị yếu
- Các bệnh lý ảnh hưởng đến hormone gồm đái tháo đường, cường giáp, suy giáp…
2.1. Đặc biệt nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em cần chú ý:
Nhiều yếu tố có thể góp phần gây táo bón trẻ em, bao gồm:
- Nhịn đi đại tiện: Do trẻ không để ý đến nhu cầu của cơ thể khi muốn đi vệ sinh do mải chơi hoặc một số trẻ không muốn đi vệ sinh công cộng và chờ đến khi về nhà để đi.
- Trẻ sợ đi đại tiện do khối phân lớn trong đại tràng gây đau khi trẻ phải rặn.
- Vấn đề tập luyện đi đại tiện (Toilet training): Một số phụ huynh tập luyện đi đại tiện cho trẻ quá sớm dẫn tới trẻ cáu gắt và giữ phân, không muốn đi vệ sinh. Từ việc tập luyện giống như một cuộc chiến với trẻ, trẻ sẽ bỏ qua những kích thích muốn đi đại tiện và theo thời gian nó sẽ trở thành thói quen không tốt của trẻ.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Không đủ trái cây và rau quả giàu chất xơ hoặc chất lỏng trong chế độ ăn của trẻ có thể gây táo bón. Một trong những thời điểm phổ biến khiến trẻ bị táo bón là khi chuyển từ chế độ ăn toàn hoàn toàn bằng sữa mẹ sang chế độ ăn dặm.
- Thay đổi thói quen: Mọi thay đổi trong thói quen của trẻ – như đi du lịch, thời tiết nóng hoặc căng thẳng – có thể ảnh hưởng đến chức năng ruột. Trẻ em có nhiều khả năng bị táo bón ở thời gian bắt đầu đi học.
- Thuốc: Một số thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc khác có thể góp phần gây táo bón.
- Dị ứng sữa bò: Dị ứng với sữa bò hoặc tiêu thụ quá nhiều sản phẩm từ sữa (phô mai và sữa bò) đôi khi cũng dẫn đến táo bón.
- Tiền sử gia đình: Trẻ em có thành viên gia đình bị táo bón có nhiều khả năng bị táo bón. Điều này có thể là do các yếu tố di truyền hoặc sống chung với nhau.
3. Dấu hiệu thường thấy của chứng táo bón
- Đi đại tiện ít hơn 3 lần/1 tuần
- Phân cứng và khó đẩy phân ra ngoài
- Phân có đường kính lớn có thể gây tắc nghẽn nhà vệ sinh
- Đau khi đi đại tiện
- Đau bụng
- Máu trên bề mặt phân cứng
- Nếu trẻ sợ rằng việc đi đại tiện sẽ bị tổn thương và đau thì bé tránh không đi đại tiện.
- Phụ huynh có thể nhận thấy trẻ bắt chéo chân, siết chặt mông, vặn vẹo cơ thể hoặc mặt tỏ vẻ khó chịu khi cố gắng giữ phân.
Táo bón ở trẻ em thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, táo bón mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng hoặc báo hiệu có tình trạng bệnh lý khác tiềm ẩn. Phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ nếu táo bón kéo dài hơn hai tuần hoặc kèm theo:
- Sốt
- Nôn
- Máu trong phân
- Chướng bụng
- Giảm cân
- Vết nứt hậu môn
- Sa trực tràng
4. Các biến chứng có thể xảy ra nếu để táo bón kéo dài
4.1. Đại tiện phân có máu
Xảy ra khi bệnh nhân đã bị táo bón nặng, khối phân khô cứng có thể cứa rách niêm mạc ống hậu môn gây chảy máu khi đi tiêu.
4.2. Nứt kẽ hậu môn
Khi đi tiêu ra phân khô cứng, ngoài việc có thể gây rách niêm mạc ống hậu môn, các lớp cơ thắt ống hậu môn cũng có thể bị ảnh hưởng và bỉ rách, đây gọi là tình trạng nứt kẽ hậu môn. Không chỉ khiến bệnh nhân đại tiện ra máu mà còn gây đau đớn cho bệnh nhân với những lần đi đại tiện tiếp theo.
4.3. Mắc bệnh trĩ
Khi bị táo bón kéo dài, ổ bụng thường xuyên phải gắng sức để đại tiện và vô tình làm cho các búi trĩ to ra, đi đại tiện thường có máu.
4.4. Hiện tượng tắc ruột
Táo bón khiến thời gian di chuyển của phân trong ruột chậm hơn, điều này khiến phân tích trữ lâu ngày trong ruột, có thể gây ra hiện tượng tắc ruột.
5. Điều trị táo bón
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
5.1. Những phương pháp nào dùng để điều trị táo bón?
Điều trị táo bón ở trẻ nhẹ rất đơn giản. Bạn phải thay đổi lối sống, như tập thể dục nhiều hơn và uống thêm nước (1.5 đến 2 lít mỗi ngày) và ăn thêm chất xơ. Tốt nhất nên tránh sử dụng thuốc nhuận tràng vì bạn dễ bị phụ thuộc vào thuốc. Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng phương thuốc nhuận tràng thiên nhiên như rau mông tơi, đu đủ hoặc chuối.
Bạn nên cân bằng thời gian mỗi ngày cho việc đại tiện được thoải mái. Uống nước và cà phê nóng vài phút trước khi đi có thể giúp kích thích nhu động trực tràng.
Đối với tình trạng táo bón vừa và nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc đặt làm mềm phân, thuốc nhuận tràng, và thụt tháo. Bác sĩ sẽ không dùng thuốc nhuận tràng quá mạnh trừ khi các cách trên không hiệu quả.
5.2. Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh táo bón?
Bác sĩ chuẩn đoán táo bón dựa trên tiền sử bệnh, bao gồm thay đổi của bạn gần đây và thuốc bạn đang uống. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàng, đặc biệt là bụng và soi trực tràng để kiểm tra các vấn đề như trĩ hay nứt trực tràng, tìm phân ở trong trực tràng và độ đặc của phân và kiểm tra có máu trong phân hay không.
Nếu phân chứa máu, bạn cần được nội soi đại trực tràng. Khi nội soi, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nhỏ gắn với một dụng cụ có đèn để quan sát trực tràng. Bác sĩ cũng xét nghiệm máu để xem bạn có bị thiếu máu do ung thư đại trực tràng hay không. Những xét nghiệm bổ sung như chụp cắt lớp (CT) ở bụng và xương chậu sẽ được tiến hành nếu tìm thấy một khối u trong bụng.